Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ là một trong những ngày Tết truyền thống của Việt Nam. Tùy vào mỗi vùng miền mà người dân sẽ chuẩn bị những món ăn khác nhau trong ngày Tết này. Sau đây mời mọi người cùng Nấu chuẩn Ăn ngon tìm hiểu về nét ẩm thực trong ngày tế Đoan Ngọ tại Việt Nam.
1. Sơ nét về Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương là một trong những ngày lễ được diễn ra vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Ở những nước bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa thì hầu như nước nào cũng sẽ có ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam thì ngày Tết Đoan ngọ lại mang ý nghĩa và cách tổ chức khác nhau nên xảy ra nhiều tranh cãi về nguồn gốc của ngày lễ này.
Tại Việt Nam, ngày Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết diệt sâu bọ, đây là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau. Hầu hết các hoạt động của ngày Tết này sẽ được diễn ra trong buổi sáng vì theo tương truyền, vào thời gian từ 11h đến 1h trưa ngày này thì khí dương mạnh nhất trong năm, các hoạt động sẽ giúp con người hấp thụ được sinh khí tốt. Một số địa phương, người ta sẽ ăn chè hạt sen, bánh ú lá tro hoặc các loại trái cây có vị chua, ăn cơm rượu để diệt sâu bọ. Nhiều nơi, người dân còn sử dụng nước lá mùi để tắm hoặc đi tắm biển để giúp rửa trôi đi những bệnh tật, những điều không may mắn. Ngoài ra, vào dịp Tết đoan ngọ, ai bị cảm cúm thì nên dùng các loại lá là xương rồng, bạch đàn, dâu tằm, ngủ trảo và lá sả nấu nước để xông. Một số nơi người ta còn treo cây xương rồng trong nhà để đuổi tà ma.
2. Ẩm thực trong ngày Tết Đoan Ngọ
Thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ
Ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, người dân thường dùng thịt vịt để chế biến các món ăn vào ngày Tết Đoan Ngọ. Trên mâm cỗ cúng thường sẽ có đĩa thịt vịt, rau xào, canh và kèm theo đó là 1 chén tiết canh vịt vì vậy vào những ngày này, tại các chợ địa phương thường nhộn nhịp cảnh buôn bán vịt sống.
Ở miền Nam thì một số gia đình vẫn ăn thịt vịt vào ngày này, thường vịt sẽ được nấu cháo rồi sau đó đem thịt trộn gỏi với bắp cải, củ hành… hoặc sẽ nấu cà ri, nấu vịt tiềm.
Bánh ú tro, bánh ú lá tre
Ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bánh ú lá tre hoặc bánh tro là một món ăn không thể thiếu trong ngày mùng 5 tháng 5. Nguyên liệu chính của bánh ú tro là gạo nếp. Gạo nếp sau khi được ngâm với nước tro (một loại nước được tạo ra từ nước vôi với tro của các loại thảo dược), sau đó được gói trong lá tre hoăc lá chuối rồi đem đi nấu. Khi bánh chín và để nguội, bóc hết lớp vỏ bánh các bạn sẽ thấy 1 khối bột màu vàng, bột nhìn rất trong và ăn rất dẻo. Tuy nhiên, bánh có thành phần chỉ là gạo nếp nên khi ăn không sẽ hơi lạt, thường mình sẽ chấm với đường để ăn. Ở một số địa phương, người ta thường dùng đậu xanh cà vỏ, sau đó sên với đường để làm nhân bánh ú tro, khiến món bánh trở nên ngon và hấp dẫn hơn.
Cơm rượu
Cơm rượu cũng là một món ăn phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tương truyền rằng, uống rượu trong ngày này có thể giúp con người giết sâu bọ, loại bỏ những thứ không tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể uống được rượu nên cơm rượu dần trở thành món ăn được dùng nhiều trong ngày Tết này.
Chè hạt sen
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, thời tiết tháng 5 bắt đầu oi bức nên nhiều gia đình dùng chè hạt sen hoặc chè đậu đen, đậu xanh để làm món tráng miệng với công dụng giải nhiệt, tránh sinh bệnh cho cơ thể.
Trái cây
Thường trên mâm cúng của người Việt Nam bên cạnh các món ăn chính, nhang đèn thì sẽ luôn có đĩa trái cây bên cạnh. Vào ngày này, ở các tỉnh phía Bắc đã và đang vào mùa vải nên hầu hết gia đình nào cũng sẽ dùng trái vải để cúng hoặc làm trái cây tráng miệng.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Hãy khám phá thế giới ẩm thực tại đây.