Thất tịch trong văn hóa Phương Đông là một ngày mang nhiều ý nghĩa cảm động. Hôm nay Nấu chuẩn Ăn ngon mời bạn cùng tìm hiểu về Ngày Thất tịch và câu chuyện đằng sau đó nhé!
1. Thất Tịch là ngày gì?
Ngày Thất Tịch được xem là ngày Valentine Đông Á, là ngày lễ tình yêu của nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Lễ này được diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Năm 2021, ngày Thất Tịch sẽ rơi vào thứ Bảy ngày 14 tháng 8.
2. Ngày Thất Tịch có nguồn gốc từ đâu?
Lịch sử về ngày này gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của đôi tình nhân Ngưu Lang – Chức Nữ (hay còn gọi là Ông Ngâu – Bà Ngâu). Theo truyền thuyết, hai người bị chia cắt và mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày này bên cầu Ô Thước. Và khi tiễn biệt, xa nhau hai người khóc rất nhiều tạo thành những cơn mưa rơi xuống trần gian và được nhân gian gọi là mưa ngâu.
Lễ Thất Tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng tại nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… vẫn diễn ra lễ hội vào ngày này với nhiều ý nghĩa khác nhau.
3. Văn hóa ẩm thực trong ngày Thất Tịch.
Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc
Câu chuyện về Ngưu Lang – Chức Nữ bắt nguồn từ Trung Quốc nên Lễ Thất Tịch được xem là một trong những lễ hội lớn của người dân đất nước này. Vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm, các cô gái trẻ thường trưng bày các vật dụng nghệ thuật do tự tay mình làm với mong muốn được lấy một người chồng tốt. Một số khác thì đi chùa cầu duyên hoặc tham gia các hoạt động khéo léo của đôi tay như “Xâu kim Khất Xảo”.
Bánh Xảo Quả là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ này tại Trung Quốc. Đây là một món ăn được làm từ bột mì, đường, mật ong, mè đen rồi đem chiên mỏng. Xảo Quả không chỉ là một món ăn, tặng Xảo Quả cho người mình thích trong ngày này được xem như là một lời tỏ tình ngọt ngào say đắm nhất, như chính vị ngọt của chiếc bánh này.
Ngày Chilseok ở Hàn Quốc
Ngày Thất Tịch hay còn gọi là Chilseok của Hàn Quốc cũng dựa vào câu chuyện về Ngưu Lang – Chức Nữ mà hình thành. Vào ngày Chilseok, theo truyền thống thì người Hàn Quốc sẽ tắm với mong muốn có sức khỏe tốt. Chilseok rơi vào khoảng thời gian khi thời tiết nóng nực qua đi và mùa mưa bắt đầu, mưa rơi trong ngày này được gọi nước Chilseok. Bí ngô, dưa chuột và dưa hấu bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian này, vì vậy chúng được dùng rất nhiều trong lễ hội.
Trong lễ hội Chilseok, người dân Hàn Quốc sẽ ăn mì làm từ bột mì và bánh mì nướng. Họ xem đây là dịp cuối cùng trong năm để thưởng thức các loại thực phẩm từ lúa mì vì sau ngày này, các cơn gió lạnh sẽ làm cho lúa mì không còn ngon như trước nữa.
Ngày Tanabata ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, người ta gọi ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm là Tanabata hay là Lễ hội Sao, đây cũng là lễ hội bắt nguồn từ ngày Thất Tịch trong văn hóa Trung Quốc. Vào ngày này, người Nhật thường tổ chức bằng cách viết điều ước vào những mảnh giấy nhỏ và dài rồi treo chúng trên những cành tre hoặc đồ trang trí khác. Những cành tre hoặc đồ trang trí này sẽ được đốt cháy vào nửa đêm hoặc ngày hôm sau của lễ hội.
Trong ngày Tanabata, người Nhật thường sử dụng nhiều loại thức ăn nhưng không thể thiếu bánh bạch tuộc Takoyaki, mì xào Yakisoba, bánh xèo Okonomiyaki hay thịt gà xiên nướng Yakitori.
Ngày Thất Tịch ở Việt Nam
Không rộn ràng như một số nước phương Đông, ngày Thất Tịch ở Việt Nam đã có từ lâu tuy nhiên chỉ dùng để giải thích cho hiện tượng mưa ngâu gắn liền với câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ hay Ông Ngâu – Bà Ngâu.
Tưởng chừng như bị lãng quên nhưng những năm gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội như Tiktok, Facebook… nên nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm và hưởng ứng ngày lễ Thất Tịch hơn. Vào ngày này, nhiều người đã rủ nhau đi chùa hoặc ăn chè đậu đỏ, các món ăn từ đậu đỏ với mong muốn sẽ có được tình yêu thật đẹp.
Nguồn: Internet
Khám phá nhiều câu chuyện về ẩm thực tại đây!